Đi làm cực nhọc, chỉ vì một buổi nhậu, xảy ra xô xát để giờ phải vào bệnh viện, không đi làm được mà còn mất tiền mua lại sức khỏe”, một ma men cay đắng nói.
Theo nhiều BS, những trường hợp đả thương thường xảy ra cao điểm từ 10 giờ đêm trở về khuya. Một khi đã say, cái liếc mắt cũng là nguyên nhân gây hiềm khích. Anh N.D.C (26 tuổi, công nhân một công ty giày da của Hàn Quốc, Q.4, TP.HCM), được bạn đưa đến cấp cứu tại BV Chợ Rẫy lúc 23 giờ 15 ngày 5.10 là một trong số đó. C. nhậu ở H.Bình Chánh và gây gổ với nhóm người khác dẫn đến đánh nhau. Người đưa C. đi cấp cứu hơi men còn nồng nặc cũng bị một vết đánh vào đầu, quần áo xộc xệch và bết máu.
Hầu như đêm nào khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định cũng tiếp nhận những ca cấp cứu do “gây chiến” trên bàn nhậu. BS Trần Thanh Dũ, Trưởng kíp trực đêm 6.10, cho biết: “Cấp cứu do đả thương nhan nhản. Hầu như ngày nào cũng có gần chục trường hợp. Đáng nói, những ca cấp cứu này phần nhiều là do nhậu nhẹt, không tự chủ được bản thân dẫn đến hậu quả đáng tiếc”. BS Dũ dứt lời thì lập tức cũng có ngay một ca “minh họa”. Đó là anh P.V.H (25 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh). Chùi vết máu còn dính trên tóc, H. kể lại: “Tối rảnh, mấy anh em rủ nhau đi nhậu tại một quán trên đường Nơ Trang Long. Vì xảy ra cãi vã trong vấn đề tiền bo cho nhân viên phục vụ, cả nhóm tôi xảy ra xô xát với nhân viên quán”.
Tại BV Nhân dân 115, rạng sáng 9.10 PV cũng ghi nhận một nạn nhân của “kịch bản” rượu vào - lời ra - máu đổ... như vậy. Đó là L.K.P (26 tuổi, ngụ P.Tân Thới Nhất, Q.12). P. là công nhân, trên đường đi làm về thì tụ tập cùng bạn làm chung đi nhậu. Trên bàn nhậu, do lời qua tiếng lại nên xảy ra mâu thuẫn và ẩu đả.
Còn L.N.T (25 tuổi, quê Khánh Hòa) thì vào cấp cứu trong tình trạng không mặc áo, máu vương khắp người. T. bị thương nặng do “dính” nhiều nhát chém ở lưng, bị đập vào đầu. Người nhà cho biết T. đi nhậu rồi mâu thuẫn với bạn nhậu và xảy ra đánh nhau tại một quán ở Q.12. Vì tức mình, T. lấy tay đập nát chai bia và hậu quả là thêm hai bàn tay bị thương, chảy máu bê bết.
Trong số các ca cấp cứu cũng có những trường hợp hy hữu như anh N.V.Tr (25 tuổi, ngụ Lái Thiêu, Bình Dương) được chuyển đến BV Chợ Rẫy với vết thương đùi phải khá sâu. Tr. kể: “Tôi dùng dao đùa với vợ con rồi quất luôn vào đùi chứ không bị ai chém cả”. Chính vợ của Tr., chị T.T.M.T, cũng xác nhận nguyên nhân kỳ quặc đó. “Mỗi lần nhậu về, ảnh đều dùng dao đùa với con là tao giết mẹ mày cho mày coi nè”…
Bác sĩ BV Chợ Rẫy cấp cứu cho một “ma men” bị đâm chém - Ảnh: Hà Minh
|
Nước mắt muộn màng
Anh T.V.T (26 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) vào khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy lúc 22 giờ 30 phút ngày 5.10 do đa chấn thương. T. bị một nhóm khác tấn công khi đang ngồi nhậu trước nhà người bạn. Chị gái T. cứ hớt ha hớt hải chạy theo giường bệnh em trai khi đẩy vào khoa Cấp cứu. Chị thất thần kể lại với PV: “Lúc 7 giờ tối em trai tôi nói qua nhà người bạn chơi để sau đó đi chích cá, không ngờ ra nông nỗi này”. Đi cùng vào BV còn có cả bạn nhậu với T. lúc xảy ra sự việc. Một trong 2 người bạn kể lại: “Lúc chúng tôi ngồi nhậu bên sân nhà, có nhóm thanh niên nồng nặc mùi rượu tấp vào quát tháo rồi bất thần đánh tới tấp chúng tôi”. Riêng T. thì nói trong nước mắt: “Nhà em nghèo khó. Giờ nằm như thế này, không biết chị em sẽ chạy vạy đâu ra tiền chữa trị nữa”.
Trường hợp khác, sau một lần “trúng mánh”, anh P.N.M (39 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) đi nhậu cùng bạn. Ngà ngà hơi men, họ tiếp tục “tăng hai” ở quán “hát với nhau”. Khi anh M. lên hát, một nhóm khác đang cự cãi với nhân viên phục vụ quán về việc thanh toán tiền. Không đồng tình, nhóm này tỏ ra hung hăng và ngăn không cho anh M. hát nhằm hăm dọa chủ quán. Anh M. cự cãi lại và đã phải hứng trọn chai bia vào mặt. Khi được chuyển đến BV Nhân dân Gia Định, các BS khám và chẩn đoán anh M. bị vỡ nhãn cầu mắt trái. Người nồng nặc mùi rượu, M. than thở với người thân: “Chị ơi, một mắt em đã hỏng rồi, không nhìn thấy gì nữa rồi”. Chị của M. chỉ còn biết đưa tay chùi những giọt nước mắt…
Trên thực tế, hằng đêm các BS, điều dưỡng đều chứng kiến nhiều ca nhập viện do bị đâm chém chỉ vì quá nóng nảy và say xỉn, không giữ được bình tĩnh. Thế nhưng, sau khi tỉnh rượu hoặc sau những ca phẫu thuật, tỉnh lại họ mới bình tâm và hối hận. “Có những người khóc nức nở khi nghĩ đến mẹ già đang bệnh ở quê hoặc nghĩ đến món nợ đang đến hạn trả, khó khăn chồng chất khó khăn… nhưng lúc đó máu đã đổ rồi”, một điều dưỡng chia sẻ.
BS Phạm Văn Khiêm, Phó khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, nhận xét: “Có đến 80% số ca cấp cứu do bị đâm chém đã dùng rượu. Nhiều người rất bình thường, hiền lành nhưng khi trở thành ma men thì lại quá hung hăng”.
Hà Minh - Thanh Thùy