Tìm kiếm

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA SỰ CỐ Y KHOA TẠI TRUNG TÂM Y TẾ PHONG ĐIỀN
Lượt đọc 885Ngày cập nhật 06/10/24

BẢNG TIN AN TOÀN NGƯỜI BỆNH

(Lần 1 – Năm 2024)

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

PHÒNG NGỪA SỰ CỐ Y KHOA TẠI TRUNG TÂM Y TẾ PHONG ĐIỀN

1. Thực trạng về sai sót. sự cố y khoa liên quan đến người bệnh:

Sai sót, sự cố y khoa là điều khó tránh khỏi trong môi trường làm việc nhiều rũi ro như bệnh viện, có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi làm ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, uy tín, sự an toàn và an ninh của mọi cơ sở y tế. Có thể khẳng định rằng ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình khám bệnh, chữa bệnh đều chứa đựng các yếu tố, nguy cơ tiềm ẩn cho người bệnh. Mặt khác, các thầy thuốc cũng thường xuyên bị áp lực công việc, áp lực về tâm lý… Vì vậy sai sót, sự cố y khoa xảy ra là điều khó tránh khỏi và trong nhiều trường hợp nằm ngoài tầm kiểm soát. Khi sự cố xảy ra, cả người bệnh, người nhà bệnh nhân và thầy thuốc đều là nạn nhân; đặc biệt đối với người bệnh phải gánh chịu hậu quả của các sự cố làm ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng, tài chính và các cán bộ y tế liên quan trực tiếp đến sự cố cũng là nạn nhân trước những dư luận của xã hội. Việc khắc phục và làm giảm thiểu sai sót, sự cố y khoa là một công việc khó khăn, lâu dài nên đòi hỏi cần có sự tham gia của toàn bộ hệ thống y tế, kể cả sự tham gia của người bệnh và cộng đồng trên toàn xã hội.

Trung tâm y tế Phong Điềnđã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa sai sót, sự cố y khoa nhưng vẫn chưa kiểm soát hết sự cố, vẫn đang đối mặt với nhiều rũi ro có thể xảy ra trên người bệnh.

1.1. Hoạt động của hệ thống báo cáo sự cố y khoa:

Trong thời gian qua, Trung tâm y tế Phong Điềnđã xây dựng và triển khai hệ thống báo cáo sự cố y khoa bao gồm: xây dựng quy trình báo cáo phân tích sai sót, sự cố y khoa cấp bệnh viện; qui định trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo các khoa phòng và nhân viên y tế khi tham gia báo cáo phân tích sự cố y khoa; lập phiếu báo cáo bắt buộc và tự nguyện với đầy đủ các nội dung theo quy trình báo cáo sự cố; công khai danh mục sự cố y khoa phải báo cáo bắt buộc; lập danh mục sự cố y khoa đã được nhận dạng để các khoa phòng tổ chức học tập các sự cố đó để phòng ngừa và báo cáo tự nguyện khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên hoạt động báo cáo, phòng ngừa sự cố y khoa chưa được quan tâm đúng mức, tỉ lệ báo cáo sự cố y khoa theo hình thức tự nguyện được ghi nhận còn thấp, nội dung báo cáo ghi chép chưa đầy đủ; việc điều tra, phân tích, xác định nguyên nhân của sự cố chưa được sâu sát; việc phản hồi thông tin sự cố đã được giải quyết đến nhân viên y tế còn chậm, chưa có hình thức động viên, khuyến khích cho cán bộ viên chức tự nguyện báo cáo. Vì vậy đa số nhân viên y tế chưa tự giác báo cáo khi có sự cố đã xảy ra hoặc suýt xảy ra; một số khoa phòng chưa có kế hoạch phòng ngừa cụ thể, chưa xây dựng quy trình báo cáo khi có sự cố xảy ra, việc phân tích nguyên nhân gây ra sự cố đôi lúc không phù hợp, chưa phân biệt được đâu là lỗi cá nhân đâu là lỗi hệ thống, nên giải pháp khắc phục có hiệu quả chưa cao. Mặt khác bệnh viện chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý sự cố bằng phần mềm điện tử, việc quản lý sai sót sự cố chưa theo hệ thống riêng.

1.2.  Nhận thức và hành vi báo cáo sai sót, sự cố y khoa của nhân viên y tế:

Sai sót, sự cố y khoa là vấn đề không mới, nhưng báo cáo sự cố y khoa là công việc hoàn toàn mới đối với nhân viên y tế. Do đó cần phải có các giải pháp thích hợp, tạo cho nhân viên y tế có cái nhìn mới về mặt tích cực của việc báo cáo sự cố y khoa nhằm nâng cao nhận thức để có thái độ và hành vi đúng khi báo cáo sự cố y khoa. Tuy nhiên một rào cản lớn trong việc ghi nhận và báo cáo sự cố là văn hóa buộc tội, qui trách nhiệm dẫn đến tâm lý e ngại báo cáo và sự cố y khoa lại tiếp diễn. Để cho cán bộ viên chức chủ động và mạnh dạn hơn thì cần có một phương pháp khuyến khích để báo cáo sai sót sự cố, điều này sẽ tránh được tình trạng bao che, giấu diếm lẫn nhau khi có sự cố xảy ra. Thực tế cho thấy nhân viên y tế chỉ báo cáo những sai sót sự cố xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, nhiều người biết và không thể che giấu được. Vì vậy cần phải xây dựng một văn hóa mới về nhìn nhận và xử lý sai sót, sự cố y khoa, sao cho mỗi cán bộ viên chức khi phát hiện sai sót sự cố thì tự giác báo cáo như trách nhiệm của chính mình.

1.3. Phòng ngừa các nguy cơ, sai sót, sự cố y khoa:

Bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa nhằm phát hiện sớm các diễn biến bất thường của người bệnh như: thành lập các biển báo, hướng dẫn, công khai số điện thoại tại các buồng bệnh để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân liên hệ khi cần báo gọi; đã thiết lập hệ thống oxy trung tâm tại phòng cấp cứu, hồi sức, phẫu thuật.., các máy thở, monitoring theo dõi luôn được cài đặt cảnh báo tự động, đã cài đặt camera ở phần lớn các khoa phòng để theo dõi hoạt động của nhân viên y tế khi thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, một số giường cấp cứu vẫn chưa trang bị đủ hệ thống chuông, đèn báo đầu giường, chưa thiết lập hệ thống oxy trung tâm cho tất cả các giường bệnh trong bệnh viện; buồng vệ sinh chưa có chuông báo gọi trợ giúp khi có sự cố xảy ra, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến công tác theo dõi chăm sóc người bệnh.

Để phòng ngừa nguy cơ người bệnh té ngã, bệnh viện cũng đã triển khai nhiều giải pháp như hệ thống lan can và chấn song cửa sổ được thiết kế để người bệnh không bị té ngã do vô ý; các vị trí có nguy cơ trượt, vấp ngã được ưu tiên xử lý. Có biển báo, hướng dẫn người bệnh cách gọi nhân viên y tế trong trường hợp khẩn cấp tại những vị trí dễ quan sát. Tuy nhiên vẫn còn một số vị trí có nguy cơ trượt ngã do thiết kế xây dựng ban đầu cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Đã thực hiện báo cáo sai sót, sự cố xảy ra theo quy định. Có các bảng kiểm trong phòng mổ và phòng làm thủ thuật; có quy định kiểm tra lại thuốc trước khi đưa cho người bệnh; kiểm tra các quy trình kỹ thuật, không để xảy ra sự cố, sai sót nghiêm trọng ảnh hưởng đến người bệnh, không có trường hợp nào sai sót do phẫu thuật nhầm vị trí, nhầm cơ quan, sai thuốc, sai người bệnh; đã triển khai các qui tắc, quy chế đảm bảo an toàn sử dụng thuốc. Việc áp dụng bảng kiểm an toàn phẫu thuật, bảng kiểm dụng cụ trước và sau mổ được thực hiện đầy đủ 100% trong hồ sơ bệnh án. Nhìn chung phần lớn các quy trình đã xây dựng bảng kiểm để kiểm tra đối chiếu người bệnh trước khi cung cấp dịch vụ y tế; việc kiểm tra giám sát luôn được tổ chức thường xuyên, đa số các hành vi sai sót đã được nhân viên y tế báo cáo và khắc phục; các sự cố “gần như sắp xảy ra” cũng được thu thập, khắc phục và thông báo rút kinh nghiệm trong toàn bệnh viện. Tuy nhiên một số quy trình, bảng kiểm còn xây dựng chung chung mang tính tự phát chưa thống nhất theo Bộ Y tế qui định, tính tự giác báo cáo sự cố chưa cao, việc xử lý sự cố chưa đi sâu vào lỗi hệ thống, chủ yếu còn qui trách nhiệm cá nhân, một số sự cố liên quan đến điều trị chưa phân tích rõ nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, một số sự cố xảy ra có thể phòng ngừa được nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

1.4. Công tác chống nhầm lẫn người bệnh khi cung cấp dịch vụ y tế:

Bệnh viện đã triển khai các qui định, quy trình về việc xác nhận và khẳng định chính xác người bệnh đúng loại dịch vụ cung cấp khi tiến hành chẩn đoán, điều trị, phẫu thuật, thủ thuật…và phổ biến cho nhân viên kịp thời để thực hiện; đã xây dựng các bảng kiểm để thực hiện kiểm tra đối chiếu người bệnh khi cung cấp dịch vụ y tế; đã triển khai mã vạch, mã số cho bệnh nhân khám và điều trị tại bệnh viện. Thông tin trên mẫu bệnh phẩm đảm bảo đúng qui định, việc giao nhận người bệnh được thực hiện nghiêm túc giữa các nhân viên y tế và đúng quy trình. Tuy nhiên một số nhân viên y tế còn bất cẩn, chủ quan làm tắt quy trình, bảng kiểm khi tiếp cận và cung cấp dịch vụ y tế cho người bệnh.

1.5. Phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn:

Đã thành lập Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn và mạng lưới nhiễm khuẩn bệnh viện; xây dựng quy chế hoạt động của hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn, có nhân viên chuyên trách cho công tác nhiễm khuẩn. Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn hoạt động thường xuyên theo kế hoạch. Các nhân viên y tế được tham gia các lớp đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn; các thành viên của mạng lưới được tham gia huấn luyện cập nhật chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn; xây dựng và ban hành các hướng dẫn về phòng ngừa chuẩn; có quy trình xử lý các trường hợp rủi ro, phơi nhiễm với các bệnh nguy hiểm hoặc nguy cơ nhiễm khuẩn cao; có hệ thống khử khuẩn tập trung. Đã triển khai thực hiện chương trình rửa tay; có các bản hướng dẫn rửa tay tại các bồn rửa tay. Có phân công nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn; xây dựng kế hoạch giám sát nhiễm khuẩn trong phạm vi bệnh viện. Thực hiện phân loại chất thải y tế; có trang bị túi, thùng để thu gom chất thải y tế; thực hiện xử lý chất thải rắn y tế theo quy định. Có hệ thống xử lý chất thải lỏng và hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên việc theo dõi, giám sát việc thực hiện các quy trình và hướng dẫn phòng ngừa nhiễm khuẩn trong bệnh viện đôi lúc đôi nơi chưa thật sự nghiêm túc.

Từ thực trạng trên, Trung tâm y tế Phong Điềntiến hành xây dựng giải pháp cải tiến chất lượng an toàn người bệnh như sau:

2. Giải pháp cải tiên chất lượng an toàn người bệnh:  

2.1. Chuẩn hóa quy trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân:

Xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật điều dưỡng chuẩn theo Bộ Y tế qui định.

Xây dựng các quy trình chuẩn về an toàn người bệnh như: quy trình an toàn phẫu thuật, quy trình truyền máu, quy trình chống nhầm lẫn về cấp phát thuốc cho người bệnh, quy trình về xác nhận và khẳng định đúng người bệnh, đúng loại dịch vụ cung cấp…

Đối với nhân viên y tế khi tham gia điều trị chăm sóc người bệnh phải tuân thủ nghiêm túc quy trình, phác đồ điều trị, bảng kiểm, không nên xử lý công việc theo trí nhớ.

2.2. Tăng cường huấn luyện, đào tạo về an toàn người bệnh:

Thường xuyên nâng cao kỹ năng thực hành lâm sàng cho nhân viên y tế.

Huấn luyện cách phòng ngừa tai biến và xử trí các tình huấn tai biến có thể xảy ra khi thực hiện các kỹ thuật điều trị, chăm sóc trên người bệnh. Thành lập nhóm phản ứng nhanh khi cấp cứu người bệnh (có phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong nhóm).

Huấn luyện các chuyên đề về an toàn người bệnh và kiểm soát nhiểm khuẩn tại các khoa phòng.

Tập huấn về quy trình báo cáo, phân tích sai sót, sự cố y khoa.

2.3. Báo cáo tự nguyện và giám sát sự cố:

Xây dựng hệ thống báo cáo không khiển trách để khuyến khích nhân viên y tế tự nguyện báo cáo các sự cố “suýt xảy ra” và đã xảy ra.

Tạo văn hóa an toàn “Lỗi và biến chứng là cơ hội học tập cho tương lai” để cho nhân viên có cái nhìn mới, nhận thức và hành vi đúng mỗi khi gặp sự cố đều tự giác báo cáo và xem như là trách nhiệm của chính mình, xóa bỏ quan niệm qui trách nhiệm cá nhân khi có sai sót.

Tăng cường kiểm tra, giám sát sai sót, sự cố y khoa qua hồ sơ bệnh án.

Báo cáo các sự cố suýt xảy ra qua hoạt động chuyên môn hàng ngày.

Giám sát các chuyên đề về an toàn người bệnh, chống nhầm lẫn người bệnh và dịch vụ cung cấp.

2.4. Hoạt động cải tiến đảm bảo an toàn người bệnh:

Triển khai thực hiện các giải pháp kỹ thuật về an toàn người bệnh như:

+ Cải tiến quy trình về an toàn người bệnh cho phù hợp tại các khoa phòng.

+ Khẳng định chính xác người bệnh tránh nhầm lẫn khi cung cấp dịch vụ.

+ An toàn phẫu thuật, thủ thuật.

+ An toàn khi sử dụng thuốc.

+ Phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

+ Phòng ngừa rủi ro, sai sót do trao đổi truyền đạt thông tin sai lệch giữa các nhân viên y tế.

+ An toàn trong việc sử dụng trang thiết bị.

Các báo cáo tự nguyện sau khi thu thập, phân tích, xác định nguyên nhân phải phản hồi kịp thời cho nhân viên y tế biết, để học tập, rút kinh nghiệm và phòng ngừa sự cố tái diễn.

Sử dụng biểu đồ xương cá để tìm những nguyên nhân, yếu tố có liên quan đến sai sót để xây dựng các giải pháp can thiệp kịp thời.

Cải tiến các bảng biểu chưa hoàn chỉnh, cải tiến quy trình khám và điều trị bệnh, hướng dẫn làm các thủ tục khám, cung cấp dịch vụ y tế cho người bệnh.

Cải thiện các mặt hoạt động chuyên môn của bệnh viện bao gồm an ninh trật tự, an toàn cháy nổ; quản lý hồ sơ bệnh án; ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực thực hiện kỹ thuật chuyên môn; hoạt động điều dưỡng và chăm sóc người bệnh.

Đánh giá kết quả tác động từ các sự cố đã xảy ra và suýt xảy ra.

Nhân rộng hiệu quả cải tiến chất lượng.

2.5. Tổ chức học tập từ các sai sót, sự cố y khoa đã được nhận dạng nhằm tránh lập lại sự cố:

Lập danh mục các sự cố y khoa đã được nhận dạng và tổ chức cho nhân viên y tế học tập từ các sự cố đó để phòng ngừa nhằm giảm thiểu sự cố tái diễn.

Tổ Quản lý chất lượng bệnh viện thu thập tổng hợp các sai sót đã xảy ra và “gần như sắp xảy ra”, sau khi xác định được nguyên nhân, phản hồi về các khoa phòng tổ chức rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp phòng ngừa thích hợp.

2.6. Xây dựng hệ thống “khó mắc lỗi”:

Xây dựng hệ thống khó mắc lỗi trong khâu thiết kế xây dựng ban đầu.

Xây dựng hệ thống khó mắc lỗi ngay từ khâu khám chữa bệnh đầu tiên.

Lắp hệ thống báo động ở các trang thiết bị đang sử dụng trên người bệnh.

Tăng cường hệ thống nhắc nhở, ứng dụng công nghệ thông tin cảnh báo trong việc kê đơn, tra cứu nhanh phác đồ điều trị.

Áp dụng bảng kiểm cho các quy trình; sử dụng các bảng biểu về liều lượng thuốc, các hình ảnh cảnh báo chống nhầm lẫn giữa các loại thuốc có hình dạng giống nhau…

2.7. Xây dựng văn hóa an toàn người bệnh:

Xây dựng văn hóa an toàn người bệnh khởi đầu từ Ban lãnh đạo cần có thái độ đúng mực, không định kiến khi có sự cố sai sót xảy ra. Nếu duy trì việc tiếp cận nhằm vào việc qui chụp trách nhiệm cá nhân sẽ dẫn đến văn hóa giấu diếm.

Lãnh đạo cần có cái nhìn mới về sự cố y khoa để nhân viên y tế chủ động, mạnh dạn báo cáo và trao đổi thông tin về các sai sót, sự cố y khoa.

Có hình thức khuyến khích những nhân viên y tế chủ động báo cáo khi sự cố xảy ra hoặc suýt xảy ra.

Giúp đỡ động viên tinh thần cho nhân viên y tế khi có liên quan đến sự cố.

Xây dựng giải pháp đổi mới về văn hóa kiểm tra đánh giá, loại bỏ tư duy đối phó, chạy theo thành tích.

Tăng cường mối quan hệ đối tác giữa một bên là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và một bên là nhân viên y tế. Tạo điều kiện để người bệnh trở thành một thành viên trong nhóm chăm sóc.

Tổ chức trao đổi thông tin với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về kết quả điều trị, chăm sóc kể cả những việc có thể xảy ra ngoài dự kiến.

2.8. Tăng cường kiểm tra, giám sát:

Tăng cường giám sát an toàn sử dụng thuốc, an toàn phẫu thuật, thủ thuật; giám sát việc tuân thủ các quy trình về kiểm soát nhiểm khuẩn.

Triển khai các biện pháp giám sát việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật theo bảng kiểm đã xây dựng.

Duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình kỹ thuật, phác đồ điều trị, quy chế bệnh viện, việc bảo quản, bảo dưỡng, sử dụng các trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao…hàng ngày.

Tập tin đính kèm:
Phòng KHNV
    Gửi tin   In
Các tin khác
Xem theo ngày  
Lịch công tác tuần
Thứ hai ngày 18/11/2024
Thứ ba ngày 19/11/2024
Thứ tư ngày 20/11/2024
Thứ năm ngày 21/11/2024
Thứ sáu ngày 22/11/2024
Thứ bảy ngày 23/11/2024
Chủ nhật ngày 24/11/2024
Chưa cập nhật lịch công tác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện Phong Điền
Trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá thế nào về website này?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.445.827
Truy cập hiện tại 142