QUY ĐỊNH KIỂM TRA ATTP TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM
Thông tư số 48/2015/TT-BYT quy định về hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế đã được Bộ này ban hành ngày 01/12/2015; áp dụng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố…
Theo quy định của Thông tư, hàng năm, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra căn cứ yêu cầu quản lý, diễn biến tình hình chất lượng sản phẩm hàng hóa và đánh giá tình hình tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm… để xây dựng kế hoạch kiểm tra. Trước khi tiến hành kiểm tra, cơ quan kiểm tra phải thông báo cho cơ sở được kiểm tra chậm nhất 01 ngày; trừ khi đối tượng được kiểm tra là cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc diện không phải đăng ký kinh doanh và người kinh doanh thức ăn đường phố.
Tuy nhiên, cơ quan kiểm tra còn có quyền kiểm tra đột xuất trong các trường hợp như: Khi có dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm, sự cố về an toàn thực phẩm; các đợt kiểm tra cao điểm…; khi có cảnh báo của tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến an toàn thực phẩm hoặc theo phản ánh của tổ chức, cá nhân có liên quan đến an toàn thực phẩm. Trong trường hợp kiểm tra đột xuất, cơ quan kiểm tra không phải thông báo trước việc kiểm tra cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố…
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2016.
CHỨC NĂNG, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ Y TẾ
Liên bộ Y tế và Nội vụ vừa ban hành Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Thông tư liên tịch này quy định, Sở Y tế là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý Nhà nước về y tế về các lĩnh vực như: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; trang thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số - kế hoạch hóa gia đình; sức khỏe sinh sản…
Sở Y tế có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND cấp tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế.
Về cơ cấu tổ chức, Sở Y tế được lãnh đạo bởi Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc; trong khi trước đây, riêng Sở Y tế Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được quy định là có 04 Phó Giám đốc. Các tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở Y tế gồm: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Nghiệp vụ Y; Phòng Nghiệp vụ Dược và Phòng Kế hoạch - Tài chính. Ngoài ra, còn có 02 cơ quan trực thuộc Sở Y tế là Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Các Chi cục này có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng và cơ cấu tổ chức của Chi cục có không quá 03 phòng.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 25/01/2016; thay thế Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/04/2008.